Sáng 14-10, tại UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung chủ trì họp UBND tỉnh thông qua "Quy hoạch phát triển giao thông công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025" (gọi tắt là Quy hoạch).
Tham dự có các thành viên UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương.
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng hệ thống giao thông công cộng (GTCC) trên địa bàn tỉnh và dự báo nhu cầu đi lại, Trung tâm nghiên cứu phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) - đơn vị tư vấn - đã đề xuất hướng phát triển hệ thống GTCC trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, trước năm 2025, xe buýt đóng vai trò là phương thức chủ đạo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, trong đó, phát triển loại hình xe buýt nhanh (BRT) trên một số trục giao thông chính yếu, đảm bảo sự kết nối với thành phố mới Bình Dương, trung tâm các huyện, thị, đô thị vệ tinh cũng như với các tỉnh, thành lân cận. Sau năm 2025, tập trung phát triển GTCC khối lượng lớn, ưu tiên hình thành hệ thống đường sắt đô thị, tập trung hệ thống xe buýt nhanh. đồng thời, phát triển loại hình GTCC đường sông, nhằm tận dụng các điều kiện tự nhiên sẵn có và giảm tải cho đường bộ, thúc đẩy phát triển du lịch.
Trước năm 2025, xe buýt là phương tiện GTCC chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân
Tuy nhiên, theo góp ý của các sở, ban, ngành, mục tiêu mà đơn vị tư vấn đưa ra còn chung chung, nhất là phương án lựa chọn loại hình GTCC chưa dựa trên cơ sở dự báo gia tăng dân số sau năm 2025; lộ trình các tuyến xe buýt chưa thể hiện được sự kết nối với các trung tâm thương mại và các trường học trên địa bàn tỉnh…
Xét thấy Quy hoạch chưa đạt yêu cầu, UBND tỉnh đã không thông qua "Quy hoạch phát triển giao thông công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025" trong phiên họp này. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung lưu ý, việc xây dựng Quy hoạch phải dựa trên “Quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh và Đề án giao thông công cộng thành phố mới Bình Dương” bằng phương tiện giao thông mới. Mục tiêu phát triển hệ thống GTCC phải kết nối được trung tâm đô thị vệ tinh với trung tâm các huyện, thị, thành phố và các vùng lân cận, đặc biệt là thị xã Thuận An, Dĩ An và tỉnh Đồng Nai, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đơn vị tư vấn cần nghiên cứu vận dụng cơ chế chính sách phù hợp và theo thẩm quyền của tỉnh để đề xuất hình thức huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống GTCC trong giai đoạn đầu. Đối với phương thức đầu tư, Nhà nước đóng vai trò chính trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, xã hội hóa khai thác phương tiện, do đó, cần tính toán được nguồn vốn đầu tư cho từng thời kỳ. Vận dụng cơ chế, chính sách của Chính phủ và một số giải pháp ở địa phương đang triển khai thực hiện, nhằm huy động được mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống GTCC. Giao Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát lại nội dung Quy hoạch, bổ sung dự báo gia tăng dân số của tỉnh, bổ sung góp ý của các sở, ban, ngành để hoàn thiện Quy hoạch trình UBND tỉnh xem xét thông qua.
Đăng nhận xét